Để thực hiện Đề án 938/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (gọi tắt là Đề án 938), Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch 4377/KH-UBND, ngày 15/10/2018 của UBND tỉnh Triển khai thực hiện Đề án 938, đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, đối với Đề án 938, phấn đấu đến năm 2027, có 224.000 hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; về khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó 40% thực hiện chuyển đổi hành vi; 95% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội ưu tiên; tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 900 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi; có 144.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình, sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.
Đối với đề án 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4163/KH-UBND, ngày 01/10/2018 về triển khai thực hiện Đề án 939, phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ 350 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; vận động hỗ trợ thành lập 15 hợp tác xã/tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, lãnh đạo; nâng cao năng lực cho 350 lượt cán bộ Hội, cán bộ công chức các cấp về kiến thức khởi nghiệp; 300% doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác, cơ sở sản xuất… do phụ nữ làm chủ về kỹ năng kinh doanh, quản lý, điều hành, kết nối các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Về nghiên cứu, đề xuất giải pháp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng yêu cầu đối với cấp tỉnh là phải nghiên cứu, đề xuất được ít nhất 01 giải pháp liên quan hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; tổ chức từ 2 - 3 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ.
Qua triển khai các nội dung của 02 Đề án nhằm khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của từng hội viên, phụ nữ, khuyến khích phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp; tăng cường sự phối hợp đồng bộ hiệu quả giữa các ngành, địa phương trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nữ. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.