Bộ Luật lao động giữ vị trí rất quan trọng điều chỉnh các mối quan hệ về lao động. Tuy nhiên, trước tình hình hội nhập kinh tế quốc tế Bộ Luật lao động cần chỉnh sửa để hoàn thiện và phù hợp với tình hình mới. Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tập trung vào các nhóm vấn đề được nêu trong dự thảo, được Trung ương Hội định hướng như: Phạm vi điều chỉnh; làm thêm giờ; nghỉ lễ, lết; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường của các cơ quan hành chính nhà nước; chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới…
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã đáp ứng được nguyện vọng của người lao động trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động cần giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu hiện hành vì điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động, nhất là lao động nữ sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc, năng suất lao động cũng sẽ không cao; hoặc tăng tuổi hưu theo lộ trình cần được cụ thể hóa đến từng nhóm đối tượng đặc thù, lĩnh vực ngành nghề. Về giờ làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước nên giữ nguyên như hiện hành phù hợp với các vùng, miền có điều kiện khí hậu khác nhau. Đặc biệt, hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh, làm thêm giờ, hành vi quấy rối tình dục và bảo vệ quyền lợi của lao động nữ mà dự thảo đề cập.
Sau Hội nghị, Hội LHPN tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến gửi Trung ương Hội LHPN Việt Nam làm cơ sở đánh giá, nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các nội dung của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong các quan hệ lao động./