2. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong giai đoạn mới
Ban Tổ chức Trung ương Hội LHPN Việt Nam tập huấn bồi dưỡng Chuyên đề tổ chức Hội tại huyện Phú Quý.
- Hội LHPN cấp huyện rà soát, đánh giá, xếp loại chất lượng Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, Chi hội trưởng/phó theo địa bàn, dân tộc thiểu số, tôn giáo, độ tuổi. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, kèm cặp, hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ Hội các cấp.
- Chú trọng giới thiệu quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội LHPN cơ sở; vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu có uy tín, có trách nhiệm, có kỹ năng vận động, tập hợp phụ nữ, có điều kiện tham gia công tác Hội đảm nhận chức danh Chi hội trưởng, tổ trưởng, người đứng đầu các tổ, nhóm, mạng lưới phụ nữ; chủ động đề xuất bồi dưỡng lý luận chính trị cho Chi hội trưởng chưa là đảng viên.
- Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp “Tận tâm, Chuyên nghiệp, Hiệu quả, Nhân văn”, thích ứng linh hoạt trong môi trường xã hội số. Tạo khí thế sôi nổi để cán bộ Hội đi đầu trong phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Tiếp tục củng cố uy tín, xây dựng tổ chức Hội thật sự là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ.
- Hàng năm, Hội LHPN tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phân công, bố trí cán bộ Hội chuyên trách đi cơ sở hướng dẫn, kèm cặp, hỗ trợ Ban Chấp hành và cán bộ chủ chốt Hội LHPN cấp cơ sở.
b) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên
- Các cấp Hội rà soát, thống kê, củng cố các mô hình Chi, tổ phụ nữ; lựa chọn và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả: duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình Chi, tổ phụ nữ truyền thống theo địa bàn dân cư; khuyến khích mở rộng các mô hình Chi, tổ theo đặc thù, sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp (nữ thanh niên; phụ nữ cao tuổi; nữ trí thức, nữ doanh nhân, tiểu thương; khu công nghiệp, phụ nữ đi làm ăn xa, phụ nữ giúp việc gia đình...). Xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ ở những địa bàn có đông lao động nữ di cư, nhập cư;....Thực hiện phương châm 3 cùng “Cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ làm theo” và “Đồng hành xây dựng Chi hội vững mạnh”, “Chi hội vượt khó”. Nghiên cứu thành lập “Chi hội Phụ nữ kiểu mẫu”, “Chi hội Phụ nữ mẫu xuất sắc tiêu biểu” với các tiêu chí cụ thể.
- Tổ chức thí điểm và nhân rộng các mô hình: Mô hình “1 + 1”, “3 có, 3 biết” tại các Chi hội...; tổ chức các hoạt động với phương châm “Lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội”.
- Thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở để nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt Chi, tổ; tổ chức các “sân chơi” lành mạnh, bổ ích cho phụ nữ. Chú trọng nâng chất lượng các cơ sở xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ sở thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...
- Đề xuất cấp ủy và Hội cấp trên thực hiện kiện toàn tổ chức Hội cơ sở khi có chia tách, sáp nhập hoặc biến động nhân sự chủ chốt, đảm bảo sự lãnh đạo liên tục và kịp thời của tổ chức Hội.
- Tăng tỷ lệ phát triển hội viên có mặt tại địa bàn đạt 60%. Tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình biến động của phụ nữ, hội viên; cập nhật phần mềm quản lý hội viên theo quy định; thống nhất việc lấy số liệu cán bộ, hội viên trên phần mềm quản lý để thực hiện công tác thông tin, báo cáo;
- Xây dựng, phát triển tổ chức thành viên. Mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng hội viên; xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức hoạt động phù hợp giữa tổ chức Hội và tổ chức thành viên, Câu lạc bộ.
c) Về đổi mới phương thức
- Các cấp Hội nghiên cứu, thực hiện đổi mới, linh hoạt các nội dung phương thức hoạt động phù hợp, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống và phương thức mang tính xu hướng đổi mới, đa dạng trong tình hình hiện nay.
- Chú trọng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, công tác tuyên truyền qua fanpage, Facebook của Hội, Website Hội LHPN tỉnh Bình Thuận, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh và huyện, Bản tin Vì sự phát triển của phụ nữ Bình Thuận. Biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong tham gia các phong trào, hoạt động công tác Hội.
- Phát huy vai trò của nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, phụ nữ trong lực lượng vũ trang, nữ thanh niên, hội viên cốt cán phong trào, cốt cán tiêu biểu trong tổ chức các hoạt động phong trào tại cơ sở.
d). Chủ động tham mưu, đề xuất và huy động nguồn lực thúc đẩy xây dựng cơ sở Hội
- Phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên, kết nối các nhà hảo tâm với tổ chức Hội, Chương trình, Đề án có lồng ghép nhiệm vụ công tác Hội. Tôn vinh, phát huy tinh thần cống hiến của hội viên danh dự có đóng góp tích cực cho hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.
- Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, nghiên cứu tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền bố trí Chi hội trưởng, tổ trưởng kiêm nhiệm các chức danh tại địa bàn có chế độ hỗ trợ.
đ) Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp
- Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy đảng, để xuất thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước” tại địa phương.
Thời gian thực hiện không còn nhiều, từng cấp Hội chủ động rà soát, đánh giá việc thực hiện từng chỉ tiêu, mục tiêu được cụ thể hóa trong Khâu đột phá, đưa ra giải pháp thực chất xác với điều kiện thực tế, xác định phụ nữ là trung tâm để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống Hội trong chỉ đạo tổ chức thực hiện và hỗ trợ của các cấp, các ngành sẽ hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra.
([1]) Mô hình “1+1”: 1 chi hội khá kèm 1 chi hội yếu; 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức Hội; 1 đảng viên nữ bồi dưỡng, giới thiệu, phát triển Đảng 1 chi hội trưởng/Tổ trưởng/tổ phó; 1 hội viên nữ cán bộ, công chức, viên chức/UVBCH… (chia sẻ thông tin về kiến thức sức khỏe, gia đình cho 1 chi hội trong 1 năm; 1 Chi hội mạnh kết nghĩa giúp đỡ cho 1 chi hội yếu hoặc 1 hội viên có điều kiện hỗ trợ cho 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn…).
- Mô hình “3 có, 3 biết”: Có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động; Biết mặt hội viên, biết hoàn cảnh hội viên và biết nhu cầu hội viên, phụ nữ.
([2]) Tính đến tháng 01/2023, Chi hội trưởng phụ nữ là đảng viên đạt gần 20% (125/697).