HỘI LHPN TỈNH GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

  • /
  • 11.4.2013 - 10:39

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức thông qua toàn văn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản có liên quan, có 20/21 cán bộ, công chức tham dự;

Qua nghiên cứu cán bộ, công chức góp ý trực tiếp đề nghị sửa đổi, bổ sung với những nội dung cụ thể như sau:

-Chương I. Điều 1 ( bổ sung): + Hầu hết các ý kiến góp ý: bổ sung thêm đối tượng sử dụng đất là tổ chức liên doanh vào khoản 7.

+ Điều 5, khoản 3 (bổ sung): “ Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, các điểm dân cư tương tự và các cụm dân cư riêng lẻ có cùng phong tục tập quán hoặc có chung dòng họ”, vì trong thực tế có nhiều cụm dân cư sống không tập trung, độc lập nhau nhưng có quản lý đất đai riêng.

Chương II. Điều 12( bổ sung): Sở hữu đất đai :
Một số ý kiến góp ý: Cần khẳng định sự thống nhất quản lý về quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai; về quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất.
- Điều 13: thêm cụm từ vào cuối điều : “Nhưng có sự góp ý và đồng thuận của nhân dân”. Thành điều 13 cụ thể như sau “ …và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng có sự góp ý và đồng thuận của nhân dân”.
- Điều 14, khoản 2, Mục a: Trong dự thảo Luật ghi  “Sử dụng đất ổn định lâu dài” . Đề nghị nói rõ quy định lâu dài là bao nhiêu năm? Vì như vậy sẽ rõ ràng hơn so với khái niệm lâu dài, do từng người hiểu khác nhau.
- Điều 15( bổ sung Điều 15): Nhà nước quyết định thu hồi đất
Một số ý kiến góp ý: Tại khoản 1 Điều 15 có quy định "Nhà nước thu hồi đất... và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội". Quy định như vậy là thiếu cụ thể, dễ bị lợi dụng để tiêu cực làm thiệt thòi cho chủ thể sử dụng đất. Vì vậy, điều luật phải quy định lại thật cụ thể: đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước tiến hành thu hồi theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định. Còn việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì phải phân loại, làm rõ quy mô của từng loại dự án để áp dụng loại dự án nào thì Nhà nước tiến hành thu hồi, loại dự án nào thì nhà đầu tư phải thỏa thuận với chủ thể sử dụng đất để nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
- Điều 16, khoản 3: Cần nói rõ hơn vì khoản này khó hiểu. Vì cụm từ “phù hợp với Luật này” là như thế nào.
- Điều 24: Đa số ý kiếnđề nghị bỏ khoản 3, vì nội dung này đã được quy định trong Luật cán bộ, công chức.
- Điều 25, khoản 1: Thêm vào cuối khoản 1, cụm từ “Phải có sự đồng thuận của nhân dân”. Vì khi thu hồi đất để cấp cho các dự án kinh tế mà không có sự đồng thuận của nhân dân thì rất khó khăn và nhiều khi xuất hiện lợi ích nhóm.
- Điều 26, khoản 2: thêm từ  “Phù hợp” sau từ “chính sách” thành như sau:  “Có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp”  Vì thêm từ “phù hợp” ở đây sẽ cụ thể cho việc tạo điều kiện của từng địa phương, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Có ý kiến nên thay cụm từ “tạo điều kiện” bằng từ “đảm bảo” thành như sau: “ Có chính sách đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp” .
Chương IV. Điều 40, khoản 2: - đề nghị thêm mục e: “nghiêm cấm tổ chức, cá nhân xâm phạm đất quốc phòng an ninh khi chưa có sự đồng ý cho phép của các cấp có thẩm quyền”.
- Điều 51 khoản 1, đề nghị: thay từ “Tài chính”  bằng từ “Khả năng”. Thành khoản 1 như sau: “ Đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội phải có năng lực, khả năng để thực hiện dự án đầu tư…” . Vì từ “khả năng” ở đây nó bao hàm tổng thể các vấn đề, trong đó có khả năng tài chính.
- Điều 56, khoản 1: đề nghị: thay từ “ Người” bằng từ “cơ quan”  thành tiêu đề của khoản 1 như sau:  “Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan có thẩm quyền bao gồm:” Vì từ cơ quan xác định phạm vi rộng hơn từ từng người.
Chương VI. Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- Điều 59( sửa đổi Điều 59). Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội:
 Hầu hết các ý kiến góp ý đề nghị bỏ (điểm l) “làm nơi đóng quân” vì các nội dung trên đã bao quát mục đích chung phục vụ cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất của nhân dân.
- Điều 60( sửa đổi): Các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
Một số ý kiến góp ý ngoài các nội dung ghi trong Dự thảo Luật, đề nghị bổ sung là nhà nước tiến hành thu hồi đất khi triển khai các dự án, các công trình quan trọng cần thiết khi được Quốc hội và Chính phủ quy định phục vụ cho lợi ích quốc gia.
- Khoản 9, điều 60, đề nghị thêm cụm từ:  “ và phải được Quốc hội thông qua” thành khoản 9 như sau :  “ Các trường hợp khác do Chính phủ quy định và phải được Quốc hội thông qua” . Vì đây là khoản mở trong luật để trong quá trình thực hiện điều hành phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước phát sinh những trường hợp rất cần thiết phải thu hồi đất mà Luật chưa quy định cụ thể thì Chính phủ quy định; nhưng Quốc hội phải kiểm soát được các trường hợp khác mà Chính phủ quy định về thu hồi đất.
- Điều 61( sửa đổi Điều 61): Các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội
Một số ý kiến góp ý:căn cứ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội là phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Điều 62: đề nghị: Cần phải cụ thể hóa nếu không thì việc này sẽ bị lạm dụng.
- Điều 63 (Điều mới): Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai
Tại điểm c, khoản 1, điều 63: đề nghị bỏ cụm từ “cố ý”
Người bị thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản này không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp; không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất.
- Điều 63, khoản 1, mục g:
+ Có 01 ý kiến đề nghị bỏ mục “g” vì trên thực tế rất khó thực hiện.
+ Có 01 ý kiến đề nghị vẫn để mục “g” nhưng sửa đổi như sau: thêm cụm từ  “ trừ các trường hợp do thiên tai, hoàn cảnh đặc biệt, sản xuất không hiệu quả” trong ngoặc đơn vào sau số “ 18” thành mục “ g” như sau: “Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai (12) tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám ( 18) tháng liền ( trừ các trường hợp do thiên tai hoàn cảnh đặc biệt, sản xuất không hiệu quả”… vì trên thực tế có những vùng do thiên tai nên không tổ chức sản xuất được hoặc do điều kiện của hộ gia đình không có lao động mà khu đất đó không có cá nhân, tổ chức nhận hợp đồng sản xuất; hoặc do địa thế, địa hình phức tạp, khó khăn cho việc đi lại, các điều kiện khác không thuận lợi, nên vùng đất đó sản xuất không hiệu quả và tổ chức, cá nhân khác cũng không hợp đồng sản xuất mà nếu Nhà nước thu hồi thì cá nhân, hộ gia đình mất vĩnh viễn tư liệu sản xuất. Bởi vì khi các điều kiện thuận lợi có, điều khó khăn mất đi thì cá nhân, hộ gia đình tiếp tục đầu tư sản xuất trên vùng đất đó. Nhưng nếu Nhà nước thu hồi thì điều này không xảy ra.
Góp ý bổ sung khoản 4 - điều 94: về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận có nêu, trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất …là tài sản chung của vợ, chồng thì ghi cả họ, tên vợ và tên chồng. Như thế là chưa đầy đủ cần bổ sung ghi thêm ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân, nơi cư trú của cả vợ, chồng để dễ quản lý.
- Điều 72, khỏan 1: đa số ý kiến đồng ý như dự thảo Luật quy định nhưng chưa đầy đủ, cần khẳng định thêm nguyên tắc khi bồi thường về “ giá trị đất hoặc tiền bồi thường phải bằng hoặc cao hơn giá trị đất cũ khi Nhà nước thu hồi đất”.
6. Chương VII, Điều 97: không có mục C do Dự thảo sắp xếp thiếu thứ tự mục C.
- Điều 95: Bổ sung thêm cụm từ “ và không cấp giấy chứng nhận” ở tiêu đề của điều này.
          - Điểm c, khoản 1, điều 96: cần bổ sung thêm cụm từ “Nhà tình thương” sau cụm từ “.... giấy tờ giao nhà tình nghĩa”.
7. Chương VIII: Tài chính về đất đai và giá đất:
(Mục 2, điều 107) về nguyên tắc xác định giá đất: Nhiều ý kiến đề nghị quy định: “Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” vì việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như hiện nay là rất khó do thị trường luôn biến động.
- Điều 109: Bảng giá đề nghị chọn phương án 1 và sửa như sau: “giảm số 20% xuống còn 5-10%; giảm số 60 ngày, xuống còn 30 ngày” . Vì phương án 1 linh động hơn phương án 2 và phù hợp với giá cả thị trường bất động sản hiện nay. Khi giá đất thị trường tăng, giảm 20% so với bảng giá đất Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thì mới điểu chình, như vậy số lượng tăng hoặc giảm rất cao mà mới điều chỉnh thì không đáp ứng kịp thời với các quan hệ liên quan đến thị trường đất đai. Khi giá cả tăng, giảm trong thời hạn 60 ngày mà cơ quan Nhà nước mới điều chỉnh thì quá lâu, hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn về thị trường đất đai.
- Tại khoản 1, điều 112: đề nghị quy định rõ hơn hình thức thông báo công khai rộng rãi việc đấu giá quyền sử dụng đất trên các kênh thông tin truyền thông (báo, đài, bản tin...), bằng văn bản đến toàn thể nhân dân (tránh thông báo nội bộ) để mọi người dân đều có quyền tham gia đấu giá đất theo quy định của nhà nước khi có nhu cầu sử dụng đất, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp, nhà đầu tư chạy dự án làm thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.

                                                                                                                      Ban CSLP (tổng hợp)        


  • |
  • 5048
  • |

Các tin khác