BAN CÔNG TÁC PHÍA NAM TỔ CHỨC TRUYỀN THÔNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NÂNG CAO QUYỀN NĂNG KINH TẾ CHO PHỤ NỮ VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS TẠI TỈNH BÌNH THUẬN

     Thực hiện Dự án 8 “Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2024, Ban Công tác phía Nam - Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức thực hiện truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS, miền núi tại huyện Tánh Linh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kiều Oanh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Phó Trưởng ban Công tác phía Nam phát biểu tại diễn đàn truyền thông - huyện Tánh Linh

     Đến tham dự diễn đàn truyền thông có đồng chí Nguyễn Thị Kiều Oanh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Phó Trưởng ban và các công chức của Ban Công tác phía Nam, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, đồng chí Nguyễn Đăng Lệ -  Phó Chủ tịch UBND huyện và 350 hội viên, phụ nữ tham gia. Diễn đàn tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích phụ nữ “Thay đổi nếp nghĩ cách làm”, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc của phụ nữ vùng đồng bào DTTS. Chuỗi hoạt động được tổ chức với các nội dung: Trình diễn Dân vũ, Giao lưu với các điển hình làm kinh tế giỏi gắn với trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp đặc trưng của địa phương, cụ thể: Chị Nguyễn Thị Đỉnh, dân tộc K'ho (xã La Ngâu) với mô hình chăn nuôi dê và trồng bắp lai; chị Đồng Thị Ánh Tuyết, dân tộc Chăm (Thị trấn Lạc Tánh) với mô hình kinh doanh nông sản, thu mua lúa và Chị Nguyễn Thị Hà, dân tộc K’ho (xã Măng Tố) với mô hình Tổ hợp tác Đan thủ công mỹ nghệ. Cả 3 chị đều xuất phát ở vùng miền núi khó khăn, cuộc sống quanh quẩn với nghèo khó và chịu quan niệm truyền thống phụ nữ phải chăm lo việc nhà, chăm sóc con cái. Để thoát khỏi tình trạng nghèo và nâng cao vai trò của phụ nữ, mỗi chị có ý tưởng cần làm gì và làm thế nào để có việc làm và kinh tế gia đình ổn định. Được sự quan tâm của tổ chức Hội, NHCSXH đã tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh và hỗ trợ vốn vay để các chị đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, với suy nghĩ mình phải tự tin làm kinh tế, phải phấn đấu vươn lên,  góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; tham gia xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng. Thông qua chia sẻ suy nghĩ của các chị, báo cáo viên Sở Thông tin và truyền thông đã truyền đạt dẫn Chuyên đề: Kỹ năng xúc tiến thương mại, dịch vụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm địa phương; Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ Chuyên đề quy trình canh tác, sản xuất sản phẩm từ cây điều để có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nội dung các chuyên đề rất gần với việc làm của phụ nữ địa phương. Đồng thời, ban tổ chức trình chiếu Video kịch ngắn “Ai cũng có thể” và tổ chức trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” - Chủ đề “Khởi nghiệp”, thông qua kịch ngắn và trò chơi gửi thông điệp đến phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số rằng “Ai cũng có thể khởi nghiệp”, “Ai cũng có thể ứng dụng công nghệ thông tin để sản xuất, kinh doanh bán hàng trực tuyến; quảng bá sản phẩm bản địa, kết nối thị trường tiêu thụ… để nâng cao quyền năng kinh tế cho gia đình và xã hội. Tại diễn đàn, Ban Công tác phía Nam trao tặng 100 áo quần trẻ em cho Trạm Y tế của 02 xã Suối Kiết và xã Gia Huynh.

Chị Nguyễn Thị Đỉnh, dân tộc K'ho (xã La Ngâu) với mô hình chăn nuôi dê và trồng bắp lai; chị Đồng Thị Ánh Tuyết, dân tộc Chăm (Thị trấn Lạc Tánh) với mô hình kinh doanh nông sản, thu mua lúa và Chị Nguyễn Thị Hà, dân tộc K’ho (xã Măng Tố) tham gia giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp làm kinh tế tại diễn đàn.

     Thông qua diễn đàn, với mong muốn các cấp Hội cần thường xuyên nhân rộng cách làm hay trong phát triển kinh tế, khuyến khích hội viên, phụ nữ DTTS tự tin khởi nghiệp sáng tạo ngay thôn/bản của mình, chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho phụ nữ tại thôn/bản và thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc tại địa phương. Xem việc thúc đẩy quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ DTTS là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết để nâng cao vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ phấn đấu, vươn lên, xứng đáng với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 

Các đồng chí lãnh đạo Ban Công tác phía Nam, tỉnh và huyện chụp ảnh lưu niệm với các phụ nữ điển hình khởi nghiệp thành công.
Các đồng chí đại biểu xem trưng bày sản phẩm do hội viên phụ nữ DTTS sản xuất, kinh doanh.

 


Các tin khác