NGHĨ VỀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NHÂN KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY VUI ĐẠI THẮNG

“… Khi đất nước còn chiến tranh,

      Giặc thù đêm đêm đi về phá làng.

      Khi đất nước còn khổ đau,

      Đời mẹ gian lao, biết mấy niềm đau…”

            Chiến tranh là mất mát, là đau thương, mà trong đó, tột cùng của tổn thất, đó là mất mát về con người, tột cùng của đau thương là niềm đau của người vợ mất chồng, người mẹ mất con, người phụ nữ mất cả gia đình. Có lẽ, sự mất mát đó của những bà mẹ Việt Nam đi qua các cuộc chiến tranh là vết thương lòng khó lành nhất. Và, sự mất mát ấy đeo bám những người phụ nữ suốt cả cuộc đời, họ nuốt hết đau thương vào lòng, cắn chặt răng để tiếp tục sống và chiến đấu. Chính vì lẽ đó, nổi đau của các bà mẹ Việt Nam được đất nước nghiêng mình.

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các quốc gia trên toàn thế giới không đâu như đất nước Việt Nam, không đâu trên trái đất này có danh hiệu cao qu‎í ấy, ngày 29/8/1994, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Pháp lệnh Quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đó như là một sự tri ân, ghi nhớ công ơn và là nguồn động viên của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho các mẹ; bởi các mẹ đã sống, đã chiến đấu, chịu đựng gian khổ và chấp nhận hi sinh để viết nên trang sử vàng, làm nên niềm tự hào cho dân tộc này.

Một bà mẹ Việt Nam anh hùng đã gửi gắm tâm sự: “Quá nửa đời mẹ sống trong bom đạn, hòa bình rồi phải gương mẫu lao động xây dựng quê hương. Các con của mẹ đã hy sinh vì nước, vì dân cũng là để cho quê hương yên bình, no ấm. Đau thương, buồn tủi nhưng mẹ cũng rất tự hào”. Thật không khỏi chạnh lòng và cũng không thể đong đếm được hết những nỗi đau các mẹ phải gánh chịu để góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

“… Xin hát về Người - Đất nước ơi!

      Xin hát về Mẹ - Tổ quốc ơi!…”

Trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng, Nhà nước và cả dân tộc đã tôn vinh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một trong những số đó, có bà mẹ vĩ đại Phạm Thị Ngư, mẹ không chỉ là người phụ nữ duy nhất của quê hương Bình Thuận được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mà mẹ Ngư còn là biểu tượng vĩ đại của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Phạm Thị Ngư sinh năm 1912, tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết. Mẹ Ngư có 7 người con ruột và một con rể là liệt sĩ (liệt sĩ Bùi Văn Thành, Bùi Văn Trung, Bùi Văn Tài, Bùi Văn Tú, Bùi Văn Mười, Bùi Thị Mười Em, Bùi Thị Luyến). Và, tất cả những người con của mẹ Ngư đã lần lượt ngã xuống trên mảnh đất quê hương Bình Thuận cho đến ngày giải phóng quê hương, đất nước. Những chiến sĩ gang thép ấy đã vĩnh viễn không về với mẹ nữa. Đức hy sinh cao cả của mẹ dành cho non sông đất nước và độc lập dân tộc mãi mãi được muôn đời ngưỡng vọng. Mẹ biết các con của mẹ hy sinh vì chính nghĩa, vì độc lập, hòa bình nên sự hy sinh ấy là niềm tự hào. Từ nỗi đau mất mát biến thành ‎quyết chí hành động, bản lĩnh kiên cường và lòng căm thù giặc sâu sắc của mẹ Ngư đã được kết tinh thành tinh thần quật cường, ý chí sắt thép trong lời nói và hành động của mẹ: “Nếu phải còn có cháu, con lúc đó mẹ vẫn biểu tụi nó đi đánh giặc Mỹ”. Chính mẹ là người nuôi giấu liệt sĩ Đặng Văn Lãnh trong thời gian còn hoạt động bí mật, sau khi hi sinh đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đã 40 năm trôi qua, kể từ ngày thống nhất đất nước, và đã 13 năm qua rồi (năm 2002), ngày mẹ Ngư đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng hình tượng mẹ Ngư luôn là một tượng đài vĩ đại trong lòng người dân Phong Nẫm - Phan Thiết, hình tượng mẹ Ngư đã trở thành một biểu tượng cao quý, một điểm nhấn cho tâm linh và lịch sử dân tộc, là cội nguồn để tìm về quá khứ hào hùng của quê hương Bình Thuận anh hùng.

Nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày vui đại thắng, hòa bình, thống nhất đất nước, nghĩ về những bà mẹ Việt Nam anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng, với chúng ta, mỗi một bà mẹ Việt Nam, họ đều là anh hùng, bởi họ đã sản sinh ra chúng ta. Xin kính gửi đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc nhất


Các tin khác