PHỤ NỮ CÔNG AN HUYỆN TÁNH LINH VỚI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn huyện Tánh Linh diễn biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng do có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài huyện, phần lớn là đối tượng có tiền án, tiền sự, có kinh nghiệm đối phó với lực lượng chức năng, hoạt động ngày càng tinh vi, có sự đan xen, móc nối giữa tội phạm ma túy và tội phạm hình sự. Nguồn ma túy trên địa bàn huyện được cung cấp chủ yếu từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng và các địa bàn như: huyện Đức Linh, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận, loại ma túy chủ yếu được sử dụng là heroin, cần sa và ma túy tổng hợp. Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tệ nạn ma túy đang len lỏi vào cả những nơi mà trước đây được coi là vùng đất bình yên như vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, xâm nhập vào học đường, xuất hiện những dạng núp bóng ma túy như: Tem giấy, cỏ mỹ,… chứa chất gây nghiện được rao bán tràn lan.

Song song với các biện pháp công khai, đồng thời sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, mở nhiều đợt truy quét, xác lập nhiều chuyên án đấu tranh trấn áp, không để tội phạm ma túy hoạt động lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân. Trong năm 2017, đã phát hiện, xử lý hành chính 19 vụ, 25 đối tượng “Sử dụng trái phép chất ma túy”, phạt 20.775.000đ nộp ngân sách nhà nước; xác lập 01 chuyên án trinh sát, khởi tố 01 vụ án, 01 bị can về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, xử phạt vi phạm hành chính 02 đối tượng, tịch thu tiêu hủy 4,5832 gam ma túy Methamphetamine.

Năm 2017, qua rà soát trên địa bàn huyện Tánh Linh có 93 đối tượng nghiện ma túy, 12/14 xã, thị trấn có người sử dụng ma túy, đã đưa 63 đối tượng đi xác định tình trạng nghiện, trong đó có 48 đối tượng có kết quả dương tính, phạt hành chính 14 đối tượng. Phối hợp với Công an các xã, thị trấn lập hồ sơ đưa 36 đối tượng vào quản lý giáo dục tại xã, thị trấn theo Nghị định số 111/NĐ-CP; hướng dẫn, vận động gia đình đưa 03 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện; đưa 07 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/NĐ-CP.

Đáng báo động là độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, thanh thiếu niên chiếm đến 88,2%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức của giới trẻ chưa đầy đủ; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhà trường chưa chặt chẽ. Sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa, lối sống không lành mạnh, xa hoa trụy lạc, lười lao động của một bộ phận thanh, thiếu niên; tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm trong việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng một số chất hướng thần, tiền chất ma túy còn chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, công tác quản lý người nghiện đang gặp nhiều khó khăn cả về cơ chế, chính sách; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc cai nghiện còn hạn chế.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, các cấp Hội phụ nữ của huyện Tánh Linh xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là một nhiệm vụ quan trọng, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong những năm qua, hội đã chú trọng tổ chức sinh hoạt hội viên phụ nữ theo định kỳ, lồng ghép tuyên truyền các nội dung về phòng chống tội phạm, ma túy. Chú trọng tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy từ trong gia đình gắn với phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Vận động chị em hưởng ứng tháng cao điểm phòng, chống tội phạm; phát hiện, tố giác và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người đặc xá, tù tha về tái hòa nhập cộng đồng, quản lý giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng… đặc biệt là phòng chống tội phạm ma túy, vận động chị em cùng người thân tích cực thực hiện xây dựng gia đình, thôn khu phố không có ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong toàn huyện. Xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ, mô hình Phụ nữ phòng chống tội phạm như: Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, Câu lạc bộ phòng chống buôn bán người, Câu lạc bộ không có chồng con vi phạm pháp luật, Câu lạc bộ 3 giảm, Câu lạc bộ không có chồng con nghiện ma túy,... Hiện nay, Hội LHPN huyện Tánh Linh có 44 tổ, Câu lạc bộ với 1.848 chị tham gia trong đó có 18 Câu lạc bộ, tổ phụ nữ phòng chống ma túy với 864 chị tham gia).

Bên cạnh đó, Công an huyện Tánh Linh nói chung, Hội Phụ Nữ Công an huyện nói riêng, đã chủ động tham mưu Thường trực huyện ủy - UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể phối hợp với các ban, ngành, đài truyền thanh, truyền hình, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật liên quan đến phòng, chống ma túy, những tác hại của ma túy, cung cấp những kiến thức cần thiết để nhân dân, học sinh có nhận thức rõ ràng về tệ nạn này. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy mang lại hiệu quả thiết thực như: “Tổ tự quản phòng, chống ma túy”, “Tổ phòng, chống ma túy học đường”.

“Với phương châm, nhân dân là tai, là mắt” có thể thấy được vai trò to lớn của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chúng và tội phạm ma túy nói riêng, đã chủ động đi sâu, đi sát đến từng thôn, từng xóm, từng nhà vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm về ma túy. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”.

Thường xuyên chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành rà soát các khu vực trọng điểm trồng cây cần sa như: xã Gia An, Suối Kiết, Gia Huynh, Đức Bình, La Ngâu, thị trấn Lạc Tánh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp trồng cây cần sa. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng cây cần sa làm thức ăn cho gia cầm, gia súc, tiềm ẩn nguy cơ trồng và tái trồng cây cần sa trên địa bàn.

Công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy ngày càng khó khăn, phức tạp; ngoài nỗ lực của lực lượng Công an thì đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là thế hệ đoàn viên, thanh niên, học sinh cần tích cực thực hiện 4 có: “Sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh góp phần xây dựng nhà trường không ma túy; trang bị những kiến thức cần thiết về phòng, chống ma túy và các kỹ năng cần thiết, tuyên truyền cho mọi người hiểu về tác hại của ma túy; tích cực tham gia phát hiện, tố giác các tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy”. Và thực hiện 4 không: “Không thử, không tổ chức sử dụng ma túy dưới mọi hình thức; không mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, trồng cây chứa chất gây nghiện; không làm ngơ trước những biểu hiện của ma túy trong trường học và cộng đồng; không bỏ rơi, không kì thị người nghiện ma túy” nhằm tạo thành phong trào mang tính chất rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực.


Các tin khác