Đối với chương I: Chế độ chính trị
Tại Điều 9 và Điều 10 của Dự thảo đã thể hiện rõ được vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức Công đoàn nhưng không có Điều nào thể hiện vai trò, vị thế của Hội LHPN Việt Nam, Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân…nên đề nghị bổ sung thêm 01 điều về Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam:
Nội dung bổ sung: Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; có quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng, đề xuất, phản biện, giám sát chính sách, pháp luật và đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.
Đối với chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52)
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Góp ý: bổ sung thêm nguyên tắc hưởng một số chính sách đặc thù phù hợp với một số nhóm công dân cần được hỗ trợ đặc biệt (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai) hoặc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội (người khuyết tật...)
Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63)
1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về gia đình và giới.
Góp ý: Việc bỏ các quy định “lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định pháp luật” và “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội; chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ” theo Điều 63 Hiến pháp 1992 chưa hợp lý.
Đề nghị: Sửa khoản 1 theo hướng công dân nam, nữ bình đẳng về quyền và cơ hội tham gia, đóng góp, hưởng thành quả lao động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình;
Giữ lại và bổ sung quy định “lao động nam, nữ làm công việc có tính chất hoặc giá trị ngang nhau thì tiền lương, tiền công và chế độ bảo hiểm xã hội ngang nhau”;
Bổ sung thêm nội dung về bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện để mỗi người thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân;
Bổ sung thêm 01 khoản trong Điều này hoặc hình thành một điều mới với các quy định cụ thể về nguyên tắc xác định vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của phụ nữ trong tái tạo nguồn nhân lực quốc gia; xác định quyền hưởng chế độ thai sản của phụ nữ phù hợp với lao động thực tế; xác định trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội, nhà trường trong việc bảo đảm thiên chức người mẹ của phụ nữ và bảo đảm cho trẻ em gái phát triển toàn diện để thực hiện tốt vị trí, vai trò của phụ nữ trong tương lai.
Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56)
Khoản 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Góp ý: Bổ sung thêm việc cấm các hành vi không thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động dành cho phụ nữ với tư cách là người mẹ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; hành vi sử dụng người lao động không đúng mục đích lao động...
Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64)
1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Đề nghị giữ nguyên Điều 64 của Hiến pháp năm 1992
Hoặc thống nhất như sửa đổi nhưng Khoản 2 có dùng thuật ngữ “bảo hộ” nên thay bằng thuật ngữ khác để bảo đảm 2 khía cạnh vừa phát huy giá trị thực tế của gia đình; đặc thù giới tính nữ; mối quan hệ đặc biệt giữa phụ nữ và trẻ em (nhất là trẻ em gái), vừa tạo cơ hội và điều kiện để gia đình và phụ nữ được bù đắp giá trị thực tế đóng góp cho nhà nước và xã hội. Bổ sung thêm quy định mang tính nguyên tắc về các mối quan hệ trong gia đình; vị trí, vai trò của gia đình trong mối quan hệ với đất nước và xã hội…
Đối với chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40)
Khoản 2. Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.
Góp ý: Để bảo đảm tính nhân văn và giá trị pháp lý, truyền thống dân tộc đối với người mẹ và trẻ em nên bổ sung thêm nội dung (tách ý):
“Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện theo đặc thù giới tính để phụ nữ thực hiện tốt quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ”;
“Gia đình có trách nhiệm giáo dục thành viên chia sẻ công việc và bảo đảm để phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn”;
“Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo cơ hội và hỗ trợ điều kiện để trẻ em, nhất là trẻ em gái phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện tốt vai trò người công dân, người mẹ, người cha trong tương lai”.
PCT. Hội LHPN tỉnh