Đoàn giám sát đã phát phiếu thu thập thông tin và trao đổi trực tiếp với 133 cán bộ, công chức và hội viên phụ nữ về những nội dung: đánh giá việc tuyên truyền Luật ở địa phương, mức độ hài lòng của cán bộ công chức (CBCC) và hội viên phụ nữ (HVPN) đối với các nội dung quy định trong Luật, mức độ ảnh hưởng của Luật đối với gia đình và xã hội, nhận thức của cán bộ, công chức và hội viên phụ nữ khi Luật được ban hành, quyền tiếp cận của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động việc làm, chăm sóc sức khỏe, gia đình…Kết quả có 85% CBCC và HVPN được tuyên truyền Luật Bình đẳng giới; 90% ý kiến trả lời rất hài lòng với các nội dung nêu trong Luật; 74,7% ý kiến HVPN trả lời Luật BĐG rất quan trọng đối với gia đình và 41% ý kiến trả lời Luật BĐG có vai trò rất quan trọng trong xã hội; cho thấy vai trò của phụ nữ hiện nay được khẳng định, các thành viên trong gia đình đã tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia quyền quyết định kinh tế, tham gia vào hoạt động chính trị, lao động việc làm có giá trị kinh tế cao, tiếp cận các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tốt, học các lớp đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, được nam giới chia sẻ trách nhiệm trong việc giáo dục dạy bảo con cái, giữ hòa khí gia đình... Đặc biệt nam và nữ được khảo sát đều có sự chuyển biến về mặt nhận thức là thể hiện trách nhiệm thực hiện BĐG trong gia đình và ngoài xã hội. Có thể khẳng định Luật Bình đẳng đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo của xã hội, khắc phục hiện tượng bất bình đẳng giới đã tồn tại bấy lâu nay. Tuy nhiên để thực hiện Luật Bình đẳng giới thật sự có hiệu quả hơn trong thời gian tới, rất mong sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội góp phần thúc đẩy vì sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển.
Hà Giang