LAN TOẢ TINH THẦN KHỞI NGHIỆP

     Khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh là giải pháp để phụ nữ hiện đại tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, đề án, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị trí của mình trong gia đình, xã hội.

     Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh đã có những lan tỏa mạnh mẽ. Có nhiều ý tưởng/dự án của hội viên, phụ nữ tham gia dự thi ý tưởng khởi nghiệp cấp vùng và cấp Trung ương đạt giải. Điều này thể hiện khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên, phụ nữ. Từ những câu chuyện, những tấm gương khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh nhà đã thực sự làm “bệ đỡ” và nuôi dưỡng những ước mơ khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ.

     Sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm là điều kiện thuận lợi để hội viên, phụ nữ đi đến và cùng tham gia Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Ðề án 939) với mục tiêu nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chủ trương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

     Hội thi khởi nghiệp của phụ nữ Bình Thuận năm 2023 được phát động từ tháng 04/2023, ghi nhận 31 dự án khởi nghiệp của phụ nữ trong tỉnh tham gia sau khi đạt giải cao từ các Cuộc thi khởi nghiệp cấp huyện. Với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa” hội thi được tổ chức nhằm lựa chọn, hỗ trợ các dự án tiềm năng, khả thi để hiện thực hóa góp phần thúc đẩy, thành lập mới, phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự thi; phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để bồi dưỡng thành các gương điển hình về khởi nghiệp thành công, tôn vinh và lan tỏa trong cộng đồng; tham gia vào đội ngũ doanh nhân nữ của địa phương, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

     Cũng trong dịp này, Hội LHPN tỉnh và các huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các dự án, chủ hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng và lập kế hoạch kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, marketing…bổ sung nhiều kiến thức và kỹ năng trong việc kinh doanh bài bản và chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

      Trải qua 2 vòng sơ khảo, Hội đồng thẩm định đã chọn ra 16 dự án xuất sắc nhất vào vòng chung kết, trong đó có 10 dự án tham gia thi thuyết trình trực tiếp. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp có cơ hội trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng, Hội đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp với 11 gian hàng của 10 đơn vị và câu lạc bộ Nữ thế hệ mới gồm các sản phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi cấp huyện, các sản phẩm đặc trưng, đại diện cho các vùng miền, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm của phụ nữ.

 

 

Đ/c Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao giải nhất cho ý tưởng kinh doanh “Gốm sứ Tu Hú”

    Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, điểm nổi bật trong Hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh”, năm 2023 là sử dụng tiềm năng các sản phẩm bản địa – lợi thế của địa phương để hình thành các ý tưởng. Hầu hết các ý tưởng kinh doanh tham gia Hội thi đều có sản phẩm đã và đang đi vào kinh doanh, sản phẩm bán ra thị trường. Các thí sinh dự thi năm nay có đầu tư và chuẩn bị chu đáo bài thuyết trình, ý tưởng kinh doanh với hình ảnh minh hoạ gắn với sản phẩm thuyết phục; có kế hoạch kinh doanh khả thi, kế hoạch tài chính rõ ràng, tự tin, mạch lạc…Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và giải khuyến khích cho các thí sinh có ý tưởng tốt. Thí sinh Lê Thị Hiền - xã ĐaKai, huyện Đức Linh đã xuất sắc giành giải nhất hội thi với ý tưởng kinh doanh “Gốm sứ Tu Hú”.

    Có thể thấy, thông qua Ðề án 939, nhiều chị em hội viên, phụ nữ đã được truyền cảm hứng, nâng cao năng lực và tư duy khởi nghiệp cũng như có cơ hội để tiếp cận với các nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu phát triển các kênh, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và nhất là tham gia liên kết vào các chuỗi giá trị. Hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn được xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Là đòn bẩy quan trọng giúp hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.

     Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng hoạt động đổi mới, sáng tạo, nhằm không ngừng học tập, nâng cao trình độ, khoa học - kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong xã hội, gia đình và hội viên phụ nữ về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tham mưu tổ chức ngày phụ nữ khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng ý tưởng, tổ chức kết nối tìm kiếm nhà đầu tư…Tiếp tục tổ chức có hiệu quả ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp lựa chọn các đề án, dự án để tham gia với tỉnh, Trung ương, qua đó mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, giúp chị em mạnh dạn hơn trong thực hiện ý tưởng của mình. Đây là cơ hội để chị em phát huy vai trò, vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 


Các tin khác