HỘI LHPN TỈNH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ SƠ KẾT DỰ ÁN “KẾT NỐI CÁC NGUỒN LỰC TRONG VIỆC GIẢM THIỂU RÁC THẢI ĐẠI DƯƠNG” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHÚ QUÝ, TUY PHONG, THÀNH PHỐ PHAN THIẾT, GIAI ĐOẠN 2020-2022

      Nhằm để đánh giá kết quả 1 năm tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động của dự án, ngày 16/6/2022, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong, thành phố Phan Thiết, giai đoạn 2020 - 2022 theo Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 07/10/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận về phê duyệt tiếp nhận “Dự án Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do Quỹ môi trường toàn cầu thông qua Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP/GEF SGP) tài trợ. 

Đồng chí Lê Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Trưởng Ban Điều hành Dự án tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị sơ kết dự án.

      Ngày 16/6/2022, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết dự án, đến tham dự và chủ trì Hội nghị, có bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Văn phòng UNDP tại Hà Nội; đồng chí Lê Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Trưởng Ban Điều hành Dự án tỉnh và 40 đại biểu gồm ông Chu Mạnh Trinh - Chuyên gia cố vấn Dự án; lãnh đạo UBND, đại diện các phòng, ban và đại diện thành viên tham gia các mô hình tại 3 huyện/thành phố. Sau 1 năm, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo UBND và các đơn vị phòng chuyên môn cấp huyện, nhóm Chuyên gia tổ chức thực hiện được 21/39 hoạt động với tổng kinh phí hơn 875,193 triệu đồng, cụ thể như: tổ chức 03 lớp TOT, 13 lớp tập huấn cho các mô hình tham gia Dự án; phát hành Bộ tài liệu Rác tại Bình Thuận với 05 chuyên đề làm tài liệu tập huấn, tuyên truyền, đào tạo cho nhóm cán bộ nòng cốt TOT, 09 mô hình tại cộng đồng; in ấn và cấp phát 3.400 tờ rơi tuyên truyền; thi công và lắp đặt 09 pano tại các khu dân cư; cấp phát 516 thùng rác các loại; giải ngân 135 triệu đồng hỗ trợ người thu gom nhựa tái chế và mua sắm các sinh phẩm để làm phân compost;  thành lập Tổ thu mua ve chai, phế liệu; tổ phân loại rác và làm phân compost; thu mua hơn 65,52 tấn rác thải các loại (Đồng, nhôm, sắt, nhựa… ), trong đó, nhựa tại chế khoản 17,14 tấn. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý đã thành lập và vận hành Nhà máy xử lý và tái chế rác tại huyện Phú Quý đã góp phần xử lý, tái chế các loại chất hữu cơ thành phân bón sinh học phục vụ nông nghiệp cho Nhân dân huyện đảo với công suất 70 tấn/ngày; tổ chức hơn 40 đợt ra quân thu gom rác thải với khoảng 3.420 người tham gia 01 tháng/lần vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật,… Qua thực hiện, có những mô hình phát huy hiệu quả cao, có sức lan tỏa và được nhân rộng như: mô hình Tổ thu mua ve chai và phân loại rác thải tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong; Tổ phân loại rác thải và làm phân compost tại xã Tam Thanh - huyện Phú Quý; phân loại rác thải và làm phân compost hộ gia đình tại phường Hàm Tiến- thành phố Phan Thiết,… Qua đó, cho thấy nhận thức của cộng đồng trong vùng dự án bước đầu được nâng lên, nhận thức được vấn đề rác thải nhựa, rác thải đại dương là vấn nạn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và môi trường sống của con người, cộng đồng phải chung tay để giải quyết vấn đề này một cách căn bản hơn, để xây dựng môi trường sống “xanh, sạch, hiện đại”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những khó khăn nhất định đó là: ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn lực hỗ trợ tại địa phương còn chậm, nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia vào các mô hình, hoạt động của dự án chưa cao, ý thức của cộng đồng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải đại dương chưa đồng đều, các biện pháp chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chưa thường xuyên và sâu kỹ…

Ông Võ Đức Thuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong phát biểu tham luận tại hội nghị sơ kết dự án

      Để hoàn thành các hoạt động còn lại và kết thúc dự án vào tháng 9/2022, nhóm chuyên gia và các địa phương rà soát kỹ các hoạt động, có thể điều chỉnh các mục hoạt động phù hợp với địa phương, khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong vùng dự án tham gia, đánh giá hiệu quả bước đầu các mô hình/tổ để nhân rộng, gặp gỡ và tuyên truyền đến các chủ tàu cá, ngư dân về ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilong trên tàu khi đi đánh bắt ngoài khơi, thu gom rác thải nhựa vào bờ và xử lý theo quy định; hỗ trợ và hướng dẫn hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải, phát huy hiệu quả của rác thải tái chế hỗ trợ các trường hợp khó khăn… Hy vọng rằng với sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo UBND các địa phương và sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn sẽ góp phần đạt chỉ tiêu của dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, các cấp cấp Hội tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng, tổ chức các mô hình/tổ nhóm phòng, chống rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương thiết thực tại địa phương.


Các tin khác